Thế nào là Đạo Đức ? Chúng ta có đang vi phạm Đạo Đức ? Bạn có phải là người có Đạo Đức ? Đạo Đức trong nông nghiệp ?
- Người viết: TODO Farm lúc
- Chia Sẻ
- - 3 Bình luận
Thế nào là Đạo Đức ?
Hôm qua ngồi nói chuyện với thằng em, có một cái tên rất hay Trí Đức (tên sao người vậy luôn). Hơn cả năm không gặp, nên ngồi nói đủ thứ trên trời dưới đất. Không biết thế nào, câu chuyện lại kéo về vấn đề đạo đức. Từ một câu chuyện tình huống đơn giản, đã làm mình suy ngẫm rất rất nhiều, rất rất sâu và cũng ngộ ra được một điều vô cùng đơn giản, nhưng theo mình đó là triết lý, là chân lý cuộc sống. Đó là tiêu chuẩn về Đạo Đức của con người, ít nhất là với mình. Mình muốn chia sẻ suy nghĩ này đến tất cả mọi người. Không có đúng hay sai, nên mình không mong có tranh luận, phản biện ở đây. Mình chỉ muốn chia sẻ suy nghĩ, quan diểm mà mình đã HỌC được từ Đức sau buổi nói chuyện.
Sau khi đọc qua nhiều tài liệu, nhiều nguồn thì mình tìm thấy một khái niệm về Đạo Đức khá phổ biến như thế này.
Đạo đức là hệ thống quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự nguyện điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn.
Theo mình khái niệm phía trên là Tiêu chuẩn XÃ HỘI, không phải là Tiêu chuẩn ĐẠO ĐỨC. Bởi vì, tiêu chuẩn Xã hội là những hành động được phép, hoặc "bình thường" ở xã hội này nhưng lại không được phép hoặc bị lên án ở các xã hội khác. Còn tiêu chuẩn Đạo đức là phù hợp với tất cả xã hội, và là tiêu chuẩn chung của loài người.
Ví dụ, một người ăn thịt chó ở Việt Nam thì xã hội thấy bình thường, nhưng sang các nước cấm ăn thịt chó như Thái Lan, Đài Loan, Singapore,...hoặc các nước lên án việc ăn thịt chó như Mỹ, Châu Âu,...thì người này sẽ bị đánh giá là bất bình thường, và không được xã hội chấp thuận.
Tương tự như việc cấm phá thai, nhường chỗ cho người già trên phương tiện công cộng, ăn mặc kín đáo nơi công cộng, không được tự ý động vào trẻ em khi chưa có sự cho phép của người giám hộ, cấm phát ngôn thảo luận về tình dục nơi công cộng, kỳ thị người đồng tính,.......và rất rất nhiều việc khác trên hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ và xã hội trên thế giới này. Vậy,...
- Tôi ăn thịt chó là có vi phạm đạo đức ?
- Tôi phá thai là có vi phạm đạo đức ?
- Tối không nhường chỗ cho người già ở nơi công cộng là thiếu đạo đức ?
- Tôi thoải mái nói về tình dục một cách cởi mở là thiếu đạo đức ?
- Tôi kỳ thị người đồng tính là vô đạo đức ?
... ... ... ... ... ... ... ... ...
Dĩ nhiên là không có câu trả lời chính xác vì mỗi xã hội sẽ có các tiêu chuẩn khác nhau, đó là lý do tại sao mình gọi đây là tiêu chuẩn xã hội. Vậy, có một tiêu chuẩn nào áp dụng cho tất cả người trên hành tinh này, không phân biệt xã hội nào, quốc gia nào, chủng tộc nào hay không ? Để con người biết rằng chúng ta đang có vi phạm đạo đức, thiếu đạo đức hay không ? Mỉnh khẳng định là CÓ, đó chính là tiêu chuẩn ĐẠO ĐỨC cơ bản nhất, đơn giản nhất, và hầu hết tất cả mọi người đều vi phạm nhưng chúng ta chưa nhận ra, hoặc không dám thừa nhận. Đó là:
KHÔNG ĐƯỢC LÀM TỔN THƯƠNG NGƯỜI KHÁC !!!
Cụ thể hơn là "Không được làm tổn thương người khác khi chưa có sự đồng ý từ bản thân người đó." Tình huống là,...
- Vì cứu đoàn tàu chở 100 người sắp lao xuống biển, Tôi phải bẻ lái hướng khác dù biết sẽ tông chết 1 người công nhân đang sửa chữa trên đoạn đường ray đó !
- Vì chướng mắt hành động của người chồng đánh đập vợ tàn nhẫn, Tôi lao vào can ngăn và thẳng tay trừng trị người chồng đó, tẩn một trận nằm viện cho nhớ đời !
- Vì Tôi thường xuyên đi làm từ thiện và rất hào phóng khi cho người nghèo, người bệnh nên Tôi dè bỉu, chê bai những người có điều kiện kinh tến hưng không giúp đỡ người khác !
- Vì để cứu 10 bệnh nhân đang nguy kịch với các tổn thương bộ phận khác nhau, Tôi đã rút ống thở của một bệnh nhân sống thực vật và dùng các bộ phận khoẻ mạnh của anh ấy để cứu 10 người khác !
- Vì Tôi trả tiền thuê họ làm việc nên trong thời gian làm việc, Tôi được phép yêu cầu họ làm những việc nguy hiểm, hoặc thoá mạ họ khi không làm được việc !
- Vì Tôi cho anh mượn tiền, giúp đỡ anh, có ơn với anh nên Tôi lỡ có nói lời khó nghe làm tổn thương, hoặc hạ nhục anh thì cũng có làm sao đâu !
... ... ... ... ... ... ... ... ...
Lằn ranh mong manh giữa lẽ phải và vi phạm ĐẠO ĐỨC ?
Chúng ta thường tự cho mình cái quyền để phán xét người khác vì chúng ta nghĩ mình đúng, và vị thế của mình cao hơn họ.
Chúng ta thường thích làm anh hùng, để được tung hô nên tự cho mình cái quyền tài phán rằng ai sai, ai đúng, ai là người phải chịu sự trừng phạt, thậm chí là ai nên sống và ai đáng phải chết đi.
Chúng ta thường sử dụng những lý do tốt đẹp như là một mũi giáo đi công kích người khác, và là một khiên chắn hoàn hảo khi bị họ phản kháng lại.
Chúng ta thường rao giảng đạo đức, tự cho mình là có đạo đức và đi phán xét người khác nếu họ làm trái ý của chúng ta !!!
Bất kỳ một hành động nào gây ra sự tổn thương cho người khác, mà không phải vì mục đích tự vệ hoặc chưa có sự cho phép của đối phương đều là vi phạm ĐẠO ĐỨC !!!
Cho đến thời điểm hiện tại, TÔI đã từng nhiều lần vi phạm ĐẠO ĐỨC vì gây tổn thương cho người khác, và Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ vì điều đó. Tôi cảm thấy rất may mắn vì đã NGỘ ra được điều này sau hơn 30 năm tồn tại; vẫn chưa quá muộn để từ đây cố gắng rèn luyện bản thân, để không được làm tổn thương người khác.
Điều đầu tiên Tôi sẽ dạy cho con mình chính là "Không được làm tổn thương người khác. Những hành động con sẽ làm, trước hết phải cân nhắc kỹ xem có gây tổn thương đến ai không". Nếu bài học về Đạo Đức này con vẫn chưa học được, thì không cần học thêm những thứ khác.
Bác Hồ có một câu răn dạy thế hệ mai sau rất hay "Có Tài mà không có Đức là kẻ vô dụng, có Đức mà không có Tài làm việc gì cũng khó.". Một người có tài năng nhưng thiếu đạo đức, thì chỉ làm ra những hành động gây tổn thương người khác, vậy có khác gì kẻ vô dụng, hoặc còn tệ hơn kẻ vô dụng. Vậy nên, Đạo Đức là điều đầu tiên con người phải học và thấm nhuần trong tâm trí, linh hồn trước khi tiếp thu các loại tri thức khác.
Tôi cũng thấy rất rất may mắn vì đã lựa chọn và kiên định với con đường Nông nghiệp Hữu Cơ, vì ở đây Tôi không gây tổn thương cho người nông dân, không gây tổn thương cho người tiêu dùng, và càng không gây tổn thương cho Mẹ thiên nhiên.
Một lần nữa, Tôi cảm thấy biết ơn vì đã NGỘ ra điều này sớm, để nhiều chục năm tiếp theo Tôi có cơ hội hoàn thiện bản thân mình và giúp đỡ, hướng dẫn người khác sống và hành động có ĐẠO ĐỨC.
Cảm ơn Bạn vì đã đọc đến đây. Tôi mong rằng những chia sẻ, suy nghĩ, quan điểm cá nhân này là có ích với Bạn và không gây nên những tranh cãi không cần thiết ! Hãy cùng nhắc nhở nhau để sống có ĐẠO ĐỨC, vì việc này không dễ dàng!
"Khi con làm tổn thương người khác, thì người đầu tiên bị tổn thương chính là con!"
p/s: Cảm ơn Đức rất nhiều vì Tôi đã được truyền rất nhiều cảm hứng sau buổi tán gẫu của hai anh em. Hy vọng dự định, nguyện vọng sắp tới của Đức sẽ thành công suôn sẻ. Và Tôi chắc chắn sẽ là người đầu tiên cảm thấy tự hào, hạnh phúc với thành quả đó.
Để lại bình luận nếu Bạn thấy bài viết này bổ ích nhé !
Cre: TODO Farm - Anh Nông Dân
Viết bình luận
Bình luận
Dung 22/11/2022
Trần Tuấn 16/11/2022
Đọc xong bài này phải suy nghĩ lại.
Cảm ơn Tác giả.
Vũ Phong 16/11/2022